Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

GIẢNG LỄ AN TÁNG CHA PHÊRÔ HOÀNG VĂN THINH (12.06.24) Ở GX. ĐỒNG KHO – GIÁO PHẬN PHAN THIẾT.

 GIẢNG LỄ AN TÁNG CHA PHÊRÔ HOÀNG VĂN THINH (12.06.24) Ở GX. ĐỒNG KHO – GIÁO PHẬN PHAN THIẾT.

Kính thưa Cộng đoàn!
Vâng lời Đức cha, con xin được chia sẻ đôi điều trong ngày lễ an táng người anh em linh mục : cha Phêrô Hoàng Văn Thinh.
Thưa Cộng đoàn!
Sau ngày 30.04.1975, nhà nước đóng cửa các chủng viện! Các thầy phần đông về sống với gia đình và giúp tại xứ nhà. Chúng con thường gọi đùa những thầy còn sót lại là các “thầy già”. Thanh Xuân lúc đó có 5 thầy già là: thầy Hữu, thầy Thinh, thầy Khẩn, thầy Hưởng và con.

Thấy ơn gọi mù mịt trước mắt, một số “thầy già” đã cởi áo ra đi; vì thế, trong những dịp lễ lớn, nhất là trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi, Đức ông sợ 5 thầy trong giáo xứ bỏ cuộc, nên Đức ông luôn kêu mời anh chị em trong xứ cầu nguyện cách riêng cho 5 thầy. Giáo xứ Thanh Xuân và 5 anh em chúng con chẳng bao giờ quên được câu nói của Đức ông: “Giáo xứ chúng ta có 5 bông hoa thơm quí hiếm, cấm các cô Thanh Xuân không được hái!”
Năm anh em chúng con thường nói đùa với nhau là 5 bông hoa “cứt lợn” chứ quí hiếm gì?! Tạ ơn Chúa, vì 5 bông hoa “cứt lợn” nầy chẳng có cô Thanh Xuân nào thèm hái, vì hoa “cứt lợn” thì thơm tho gì mà hái?! Chính vì thế mà 5 bông hoa “cứt lợn” nầy đã lần lượt trổ sinh hoa trái trong Thánh Chức Linh Mục như lòng Đức ông mong mỏi! Thật là tuyệt vời!
Cha Phêrô đây được phúc giúp xứ, vì ngài là con thiêng liêng của Đức Ông. Bốn anh em còn lại thì lúc nào cha xứ nhờ thì giúp. Các thầy già lúc ấy phải vất vả lao động, vì lúc đó “lao động là vinh quang, lang thang thì chết đói!” Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi cũng khuyến khích các thầy tìm việc mà làm, trong khi chờ chủng viện mở cửa! Thầy Thinh có khiếu về kỹ thuật nên xin làm HTX cơ khí, thầy Hữu làm HTX mành trúc, thầy Hưởng và con thì ngày ngày đạp xe 6 cây số lên Bình An, cầu Cây Chanh làm rẫy, còn thầy Khẩn thì đạp xe vào Xuân Sơn làm tiêu, cà phê, thầy thường đua với xe than và luôn chiến thắng! (những ACE lớn tuổi thì biết xe than nó như thế nào rồi!)
Tin cha Giuse Hồ Sĩ Hữu được Đức cha Nicolas phong chức linh mục đã làm bừng lên niềm hy vọng cho các “thầy già”, đăc biệt cho 4 anh em còn lại của Thanh Xuân ! Thế nhưng cũng phải 5 năm sau, 3 anh em chúng con: cha Thinh, cha Hưởng và con mới theo được gót chân của đàn anh Hồ Sĩ Hữu.
Riêng việc 3 anh em chúng con được chịu chức, có thể nói là một “phép lạ”! Bởi vì lúc đó cứ 2 hay 3 năm, nhà nước mới cho 2,3 thầy được chịu chức. Và không bao giờ có cái chuyện 3 thầy cùng ở trong một giáo xứ mà được chịu chức, vì họ hạn chế tối đa! Vậy mà hình như Chúa “che mắt” họ? Bằng cách nào? Thưa, nhờ 3 thầy giúp 3 xứ khác nhau: thầy Thinh giúp xứ Thanh Xuân, thầy Hưởng giúp xứ Thuận Nghĩa và con giúp xứ Đông Hà. Chắc chắn họ nắm rất rõ lý lịch của 3 anh em chúng con; thế nhưng, chẳng biết vì lý do gì mà họ lại không để ý tới việc 3 anh em chúng con cùng ở một giáo xứ?!
Và thế là năm đó (1996) người ta nói Giáo xứ Thanh Xuân được mùa và trúng số! Tuyệt vời hơn nữa là 3 anh em chúng con cùng sinh một năm, cùng tên thánh Phêrô, cùng được chịu chức một ngày, và được hồng phúc lãnh nhận chức linh mục ngay tại chính giáo xứ của mình! Hồng ân Chúa tuyệt vời như vậy đó!
Thế nhưng, thưa Cộng đoàn! ý Chúa nhiệm mầu chúng ta không hiểu thấu! Năm bông hoa của Đức ông, các cô Thanh Xuân không hái, mà Thiên Chúa lại hái! Ngày 24.11.2004, cha Phêrô Hồ văn Hưởng được Chúa hái về lúc mới 54 tuổi! Và chiều Chúa nhật mồng 9 tháng 6 vừa rồi, Chúa lại hái thêm 1 bông hoa nữa về bên Đức ông! Như vậy là 2 bông hoa của Đức ông đã được Chúa hái về bên Chúa, bên Đức ông! Chỉ còn 3 bông hoa ở lại, không biết lúc mô thì Chúa hái?!
Riêng con, mấy hôm nay, các cha gặp con chia buồn và trêu con: người ta nói: “vững như kiềng 3 chân, 2 chân gãy rồi, còn một chân nữa làm sao đây?!” Có cha còn nghịch hơn: Vĩnh Linh nó gần với Vĩnh Biệt đó?! Không biết Chúa còn “khuyến mãi” bao năm nữa cho con? Lớp con chỉ còn lại con bơ vơ một mình!
Dài dòng một tí như vậy để quí Cộng đoàn thấy con đường ơn gọi của anh em chúng con thật lao đao!
Kính thưa Cộng đoàn!
Cái chết quá nhanh và quá đau đớn của cha Phêrô, làm thấm đau cho Giáo phận nói chung và riêng cho Giáo xứ Đồng Kho và bà con ruột thịt! Đau và buồn lắm, khi người ra đi không một lời trăn trối, hỏi han! Tiếng khóc nức nở của bao người thân trong những ngày qua, khi không có được một lời giã từ người thân ra đi! Nỗi buồn ám ảnh Giáo xứ Đồng Kho và bà con ruột thịt trong những ngày đau thương ảm đạm nầy!
Thế nhưng, thưa Cộng đoàn!
Đó là cái đau, cái nhìn của người đời. Còn cái nhìn Đức tin của người Kitô hữu thì khác.
Paul Claudel, viện sĩ nổi tiếng của Hàn lâm viện Pháp, lúc nhỏ, ông cứ hỏi đi hỏi lại mẹ ông rằng: “chết là gì”? Khi thấy ông đủ tuổi khôn, mẹ ông đã đến bên kệ sách rút ra cuốn Thánh kinh, mở chương 13, Phúc Âm Gioan và thong thả đọc câu 1, câu mà chúng ta vừa nghe: “Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian nầy mà về với Chúa Cha”. Gấp sách lại, mẹ ông âu yếm nhìn ông và nói: “Con ạ! Chết là bỏ thế gian nầy về với Chúa Cha”!
VỀ VỚI CHÚA CHA! Như vậy, thưa Cộng đoàn! Chết là niềm vui, niềm hy vọng, chết là về với Chúa Cha! Người Cha luôn giang tay chờ đón con cái mình! Do đó, thánh Ambrôsiô kể rằng: dân thành xứ Thrace khóc lóc khi có người mới sinh ra đời; trái lại, họ vui mừng hát ca khi có một người mới qua đời! Không lạ đâu thưa cộng đoàn, vì cha ông Việt Nam chúng ta cũng có câu tương tự như vậy: “sinh dữ, tử lành”!
Vì thế, mà Hội Thánh xem cuộc đời của người tín hữu như là thời kỳ thai nghén và gọi ngày chết của chúng ta là ngày sinh nhật, ngày chúng ta được sinh ra, hay nói đúng hơn là ngày “SINH NHẬT TRÊN TRỜI”. Mà đã là ngày sinh nhật thì ai cũng vui, cũng cười, chứ sao lại buồn? Đó cũng là ý nghĩa của bài hát: “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ”. Đây là sự thật, chứ chẳng phải là giấc mơ nữa! Chính thánh Phaolô cũng đã viết trong thư gởi tín hữu Philiphê rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng trông đợi Đức Kitô từ trời đến cứu chúng ta".
Như vậy, thưa Cộng đoàn! Quê hương thật của chúng ta ở trên trời. Ngôi nhà thật của chúng ta được ở mãi với Chúa Cha trên trời, chứ không phải ở dưới thế nầy. Vì thế mà người Kitô hữu chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Kitô đem chúng ta về nơi đó. Do đó, cái chết là sự lành, là niềm vui như cha ông chúng ta nói” “sinh dữ tử lành”! Và cái chết đáng vui mừng ca hát như dân thành Thrace đã suy nghĩ?
Chính vì thế mà thánh Augustinô dạy rằng: “Hãy để sự chết làm thầy dạy ta”. Ngài đã phong chức giáo sư cho thần chết. Trong đời chúng ta có nhiều thầy cô dạy dỗ. Bây giờ chúng ta có thêm một thầy dạy nữa là thầy chết. Thầy chết có lớp dạy khắp thế giới. Thầy dạy bằng đủ thứ ngôn ngữ mà học trò nào cũng hiểu hết, người tầm thường cũng như người thông thái. Thánh Augustinô có ý gì, khi phong chức giáo sư cho thần chết vậy? Thưa, vì thầy chết sẽ dạy chúng ta rằng: cuộc đời nầy rồi phải kết thúc và phải tính sổ lại. Cuộc đời nầy chỉ là tạm bợ mong manh! Thầy chết sẽ dạy chúng ta sự khôn ngoan như Thánh vịnh 90,12 đã viết: “Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”
Cũng chính vì thế mà triết gia Platon khuyên mọi người: “bạn phải học chết”. Vì nếu chúng ta học cái chết, luôn nghĩ đến cái chết, nó sẽ dạy cho chúng biết sống, sống tốt, sống thánh ở đời nầy, để khi chết, chúng ta được về nhà Cha mình trên trời. Cụm từ "về nhà cha” trở thành một cụm từ thật đẹp cho chúng ta!
Kính thưa cộng đoàn!
Cuộc sống đời sau nằm trong tay chúng ta. Mỗi người chúng ta phải định đoạt lấy số phận của mình. Chúa không muốn dìm chúng ta xuống địa ngục, cũng không cố kéo chúng ta lên thiên đàng. Ngài đã ban cho chúng ta sự tự do, vì thế, lên thiên đàng hay xuống địa ngục là quyền của mỗi người chúng ta. Chúa không giúp chúng ta, nếu chúng ta không cố gắng! Cha Duval cũng đã nói: “Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất nầy bằng cánh tay của bạn”.
Đường về Nhà Cha có nhiều đường, nhưng không có con đường nào đẹp bằng CON ĐƯỜNG GIÊSU, CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ! Con đường nầy hẹp mà rộng, trơn tru mà sỏi đá. CON ĐƯỜNG GIÊSU có Tin Mừng hướng dẫn, chỉ đường để về Nhà Cha.
Là một linh mục của Chúa, cha Phêrô của chúng ta đây quá biết rõ con đường nầy. Ngài đã can đảm bước vào và bước đi. Có lúc ngài thấy con đường rộng, trơn tru không sỏi đá và đã chiến thắng nhiều trận mạc! Nhưng rồi nhiều lần lại gặp con đường quá hẹp, đầy sỏi đá với bao chông gai và không ít lần chiến bại!
Xin Chúa ân thưởng những chiến thắng của ngài trong cuộc đời trên con đường nầy; và tha thứ cho những thất bại không ít trong cuộc đời của ngài trên con đường nầy!
Và xin nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, nhờ những chiến thắng nhỏ nhoi của cha Phêrô, xin Chúa đưa cha Phêrô về Nhà Cha, VÌ NHÀ CHA TA CÓ NHIỀU CHỖ Ở!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét