BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
Anh
chị em tín hữu thân mến,
Kính
thưa anh chị em lương dân.
Quí
bạn trẻ thân mến,
Kể từ lúc Gagarin bay vào không gian đến
nay, nhân loại đã bước được một bước dài chinh phục vũ trụ, khám phá ra hằng tỉ
hành tinh nhưng chưa thấy một hành tinh nào như trái đất có dấu vết sự sống.
Trong hàng tỉ hành tinh trong vũ trụ bao la không hề thấy một bóng cây, một
sinh vật, một con người. Vũ trụ bao la chỉ là một biển chết đầy đất đá, khí,
lửa. Vũ trụ kỳ diệu mà lại buồn tênh vì không có sự sống.
Khi trái đất xuất hiện với màu xanh độc
nhất, người phi công vũ trụ da diết nhớ về nó. Màu xanh ấy chính là màu xanh sự
sống, ngoài nó ra chỉ là sự bất định vĩnh hằng, sự chết ngự trị.
Các nhà khoa học nói rằng sự hiện diện
của sự sống trên trái đất là điều kỳ diệu có một không hai. Hữu cơ có sự sống
và vật vô cơ là một khác biệt vô cùng. Đó là khác biệt giữa cõi sống và cõi
chết, giữa tồn tại và hư vô, giữa còn và mất.
Kính thưa anh chị em,
Thiên Chúa đã ban tặng sự sống cho trái
đất này. Ngài ban mầm sự sống đầu tiên rồi qua hàng tỉ năm, sự sống phát triển
thành thiên hình vạn trạng, thành cây, thành cá, thành thú rồi thành người. Nơi
con người chẳng những có sự sống tự nhiên mà còn có sự sống siêu nhiên và hồn
thiêng bất diệt. Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa. Họ không có quyền sở hữu
để sử dụng sự sống theo ý riêng mình.
Nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống cho vũ trụ, cho
con người bằng mầm sống nguyên thủy để mỗi sinh vật được hiện hữu mà Ngài còn
ban cho nhân loại một quà tặng vô giá khác đó là chính Thiên- Chúa- làm- người
nơi Con Trẻ Giêsu mà hôm nay chúng ta mừng lễ kỷ niệm cuộc giáng sinh của
Người. Con trẻ Giêsu như mọi trẻ thơ khác khi sinh ra cũng yếu ớt, nhỏ bé trong
vòng tay ôm ấp, nâng niu của mẹ cha, cũng phải nhờ bầu sữa mẹ để lớn lên, cũng
cần tình thương và sự dạy dỗ của người cha nuôi để biết làm người. Thiên Chúa
đi vào dòng chảy lịch sử tại một thời điểm nhất định : đó là lúc dân tộc Do
Thái bị mất nước, và phải sống dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã. Khi ấy César Augustô
làm hoàng đế La Mã, toàn quyền Phongxiô Philatô cũng là người La Mã, vua bù
nhìn Hêrôđê là người ngoại bang xứ Idumée cũng do hoàng đế La Mã đưa lên. Những
kẻ này chẳng những thù nghịch với dân tộc Do thái mà còn thù nghịch với chính
Con Trẻ Giêsu. Chính Hêrôđê đã ra lệnh giết Chúa khiến nhiều trẻ thơ bị giết
oan vì lệnh tru diệt này. Mới là trẻ thơ mà đã bị lên án tử hình rồi. Xót xa
thay 2000 năm sau khi nhân loại cho mình là văn minh nhân đạo mà biết bao kẻ có
quyền, có tiền lại tiếp tục lên án và tru diệt bao trẻ thơ vô tội trong lòng mẹ
khi chưa cất tiếng khóc chào đời. Lấy cớ bảo vệ súc vật, bảo vệ thú vật quí
hiếm : ai giết một con cọp, một con tê giác thì phải vào tù. Còn bà mẹ giết con
mình trong bụng thì được tiền thưởng của xã hội loài người
Ngày giáng sinh của Đức Giêsu đã làm nức
lòng nhân loại. Các thiên thần đã ca vang khúc ca vinh danh Thiên Chúa trên
trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Những người được đưa tin vui là kẻ
chăn bò lừa ngoài đồng vắng đêm đông, những kẻ nghèo khổ, bé nhỏ được ưu tiên
đón nhận Ngài. Thiên Chúa cũng ban niềm vui cho những tâm hồn công chính luôn
hướng vọng về Thiên Chúa nhưng cũng chờ đợi sự đổi mới nơi tâm linh loài người,
nơi cơ cấu nhân thế. Ba vị đạo sĩ từ phương đông đến để chiêm bái, tôn thờ và dâng
Ngài lễ vật. Bé Thơ nhỏ nhoi đó lại chính Chúa Trời làm người. Ôi mầu nhiện, ôi
kỳ diệu vô cùng. Ba đạo sĩ không ai biết đâu là lý lịch, đâu là quê hương của
họ. Họ tiêu biểu cho nhân loại, cho lương dân đến với Con Thiên Chúa làm người.
Ngài yêu trẻ thơ vì thơ bé
là chính Ngài trong tình thương Chúa Cha. Ngài mời gọi, Ngài cư xử thân ái với
nhân loại như trẻ thơ. Lòng chân thành, không ghen ghét thù hận, không thành
kiến, Ngài nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa, nhìn thấy cái chói sáng nơi mỗi một
con người. Mỗi người là vô giá trước mặt Thiên Chúa.
Ngài cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên,
cái đẹp của hoa đồng cỏ nội khi bình minh, lúc chiều tà còn đẹp hơn ngàn vạn
cẩm bào của các đế vương
Ngài yêu sự sống và sự sống đã nhờ
Ngài mà có. Ngài đứng về phía sự sống. Ngài chống lại án tử hình của người Do
Thái đối với một người phụ nữ sa ngã. Ngài tôn trọng phụ nữ và mời gọi họ cộng
tác với ngài. Một Mai Đệ Liên và bao người phụ nữ đã cộng tác với Ngài trong
cuộc truyền giáo, mở rộng thế giới mới.
Ngài đối thoại với mọi người, mời
gọi mọi người hoàn thiện chính bản thân mình. Ngài nói chuyện thân tình với trí
thức tôn giáo Nicôđêmô và giải bày cho ông biết đâu làsự thật. Ngài không căm
ghét người giầu nhưng mời gọi họ thực hành bác ái chia sẻ. Ai có 2 áo hãy cho
kẻ không có. Ngài cảnh giác nhóm nhiệt thành Zélotes chỉ lăm le dùng bạo lực,
tàn ác vụng dại :” nếu các ngươi khôg hoán cải, các ngươi cũng sẽ chết vô ích
như những kẻ bị Philatô giết cùng với vật tế sinh “. Ngài đối thoại với mọi
hạng người cả hạng đàng điếm.
Đức Kitô là hiện thân của tình thương
Thiên Chúa. Ngài dùng tình yêu để nâng đỡ mỗi người làm thiện toàn chính
bản thân mình. Ngài mời gọi họ rời bỏ cái ách tội lỗi để đi vào con đường mới,
hoà giải với Thiên Chúa và hoà giải với anh em, sống đúng với phẩm giá con người.
Đức Kitô là Thiên Chúa mà lại là Thiên
Chúa làm người nên nên Ngài cũng chịu đựng cái định mệnh của con người
đó là sống giữa xã hội và lịch sử của mình. Và không thể không đối đầu với cái
ác. Cái ác trong cơ chế xã hội do ngoại bang thống trị và tôn giáo biến chất.
Đức Kitô dùng tình thương và bất bạo động
để truyền giảng một đạo bác ái làm sao mà tránh đụng chạm với cơ chế xã hội
ngoại bang Rôma, và trực tiếp hơn với cơ chế duy luật trọng truyền thống tổ
tiên hơn nỗi khổ của con người. Lối rao giảng mời gọi, tôn trọng con người, tha
thứ tới 70 x 7 lần, luật lệ không trên con người và con người là chủ luật lệ.
Luật lệ phải phục vụ con người, chứ luật lệ không áp bức con người.
Trong bầu không khí xã hội ấy, Ngài trở
thành nạn nhân, nhưng đó cũng là ý định diệu kỳ của Thiên Chúa. Qua cái chết
thảm khốc, Ngài sống lại chứng tỏ sự chiến thắng cuối cùng của Ngài trên sự dữ
và mở đường cho nhân loại cùng sống lại với Ngài.
Giáo Hội Công Giáo qua 2000 năm lịch sử vẫn bước đi con đường của Đấng
sáng lập, con đường yêu thương, phục vụ, lấy tình thương xoá bỏ hận thù, và
nhất là Giáo Hội đứng về phía sự sống. Giáo hội bảo vệ sự sống, lên tiếng cảnh
giác mọi người về những vi phạm đến sự sống con người. Những vi phạm quyền con
người xuất phát từ nhiều phía. Nó mang nhiều bình diện cá nhân cũng như tập
thể, mang tính cách chủng tộc, giai cấp, phái tính, tôn giáo. Câu chuyện Cain
giết Abel trong Kinh Thánh là một điển
hình vi phạm sự sống. Cain vì ganh ghét đã giết em mình. Nhưng Thiên Chúa đã
không cho kẻ khác giết Cain để báo thù, dù Cain phải trả giá tội giết người của
y.
Ở những thế kỷ đầu công nguyên, Kitô giáo
đã chấm dứt chế độ nô lệ La Mã. Cho đến ngày nay, tại tây phương, việc tôn
trọng phụ nữ và trẻ em chính là di sản của tinh thần Kitô giáo. Nhưng tôn trọng
con người không phải chỉ vì tự thân con người nhưng trước hết vì con người là
hình ảnh Thiên Chúa. Mỗi con người là một cá vị độc đáo không thể thay thế
được. Không vì sự sống người này mà ta có quyền giết người kia. Không vì người
mẹ mà giết thai nhi hay ngược lại. Vì nếu chấp nhận như thế sẽ đi đến lạm dụng
không lường trước được.
Năm mươi năm trước, Đức Quốc Xã đã lấy lý
do người Do Thái là dân tộc bẩn thỉu cần tẩy trừ để cải tạo một nhân loại mới
nên đã giết hàng loạt người Do Thái. Ngày nay nhiều người cho rằng cần cho
người bệnh chết êm ái để họ được an bình ra đi và cũng để tránh gánh nặng cho
kẻ xấu số. Hay phải giết người trong bụng mẹ để số người tránh nạn nhân mãn, để
nâng cao mức sống con người lên. Cái vòng luẩn quẩn vẫn không khác nhau.
Giáo Hội Công Giáo không đứng về phía
người mạnh, người cầm quyền, hay chạy theo đa số, hay thoả hiệp với họ để áp
bức kẻ yếu. Giáo Hội Công Giáo thấy mình có trách nhiệm kêu gọi lương tri
con người, tham gia xây dựng một nền văn minh sự sống, chống lại nền văn
minh sự chết đang lan tràn khủng khiếp. Điều rất đáng sợ là nền văn minh này
lại núp dưới các danh từ rất kêu như phát triển, tiến hoá, văn minh, tiến bộ
v.v…
Ngày 02/12 vừa qua, quận Ba Đình Hà Nội
có tổ chức cuộc thi mẹ khoẻ, con ngoan, để rút kinh nghiệm nuôi dạy con tốt.
Cuối cuộc thi 1 người Nhật đại diện cho 1 công ty Nhật có lẽ đã bỏ tiền ra tài
trợ cho cuộc thi này phát biểu : “Điều gây ngạc nhiên cho tôi là cho tới bây
giờ các bà mẹ Việt Nam vẫn còn lo chăm sóc nuôi dạy con cái. Ở đất nước Nhật,
chúng tôi đã vượt qua thời kỳ các bà mẹ săn sóc con cái lâu rồi. Các bà mẹ Nhật
không còn chăm sóc con cái họ nữa”.
Người bình luận đài THVN khi phát lại cuộc thi không bình luận gì hết. Nhưng
tôi thật sự lo âu nếu những bà mẹ mà không còn chăm sóc con mình nữa thì những
đứa trẻ sẽ làmsao có tình yêu, biết yêu thương nhân ái ? Và nếu người đàn bà
sinh con ra rồi chẳng cho con bú mớm, chẳng chăm sóc giống như con vịt đẻ ra
cái trứng thì có còn là những bà mẹ nữa không ?
Đêm nay mừng Chúa Giáng Sinh, mừng một Trẻ Thơ ra đời, một Thiên Chúa làm người.
Mừng Thiên Chúa làm người để đem con người đến với Thiên Chúa. Chúng ta cũng
hãy vui mừng khi một bé thơ ra đời trong gia đình chúng ta, trong thôn xóm,
trong đất nước và trên thế giới này. Hãy biết trân trọng sự sống con người, hãy
nhìn vào hang đá Bê Lem : Bé Giêsu đang ở trong vòng tay của Mẹ. Hãy biết nuôi
dưỡng sự sống với tất cả thương yêu. Hỡi các bà mẹ hãy mãi mãi yêu thương
vàchăm sóc con cái. Vì không có bầu sữa nóng và vòng tay ôm âu yếm của mẹ, trẻ
thơ sẽ không thể làm người. Đừng vì ích kỷ, theo đòi nền văn minh sự chết mà bỏ
con cái, bỏ gia đình. Ơn gọi trước tiên của người nữ là làm mẹ, là lưu truyền
sự sống. Đức Maria là gương mẫu cho mọi người mẹ. Hãy sinh con, nuôi con, giúp
con và để cho con theo ơn gọi của Thiên Chúa.
Hãy nhìn vào Thánh Giuse, yêu thương và
chăm sóc trẻ Giêsu dù không phải là xác thịt của mình. Hỡi những người cha hãy
nhận lấy và yêu thương mọi đứa trẻ, chia sẻ gánh nặng với xã hội về những trẻ
không cha, những trẻ không nhà…
Hãy nhìn vào trẻ Giêsu .Và nhìn cả vào sự
nghiệp vào lời giáo huấn về Tin Mừng Sự Sống của Ngài, để cùng Ngài xây dựng
quê hương và cứu thế giới đang bị nền văn minh sự chết lấn áp.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, đêm nay Chúa
sinh ra, đem niềm vui cho muôn nhà, Chúa cũng đã chia sẻ thân phận người con bị
đuổi ra khỏi quán trọ, bị đuổi ra khỏi quê hương. Xin cho những người giầu có
biết tiếp nhận những kẻ nghèo đói, những trẻ thơ yếu đuối không được ai bảo vệ,
không có nơi nương tựa. Và xin cho xã hội loài người biết giúp nhau thăng tiến
cuộc đời. Không còn ai vì đói nghèo mà phải đi vào kiếp lầm than. Amen.